Ông Doanh đánh giá: Nghị định 84 sửa đổi như báo chí đề cập thời gian qua cho thấy một sự bất hợp lý lớn. Sửa như vậy không đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng, cho quản lý nhà nước mà chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó, trong đó có các doanh nghiệp (DN) xăng dầu. Điều này có nghĩa các DN xăng dầu sẽ vẫn tiếp tục "tự tung tự tác" về giá như lâu nay.
Bất hợp lý ở đây cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Đó là xăng dầu của ta chưa có thị trường đúng nghĩa. Petrolimex là DN đang nắm vị trí thống lĩnh. Vậy mà nghị định sửa đổi tiếp tục để cho DN tự định giá xăng dầu điều đó chứng tỏ chúng ta đang buông lỏng vai trò giám sát DN độc quyền. Nó trái với Luật Cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, không phù hợp với kinh tế thị trường. Chưa kể, việc cho DN tự định giá xăng dầu còn không phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát của chúng ta hiện nay và trong nhiều năm tới nữa.
Nhưng theo báo cáo sửa đổi nghị định này thì Petrolimex hiện chỉ còn chiếm 50% thị phần và lĩnh vực xăng dầu cũng đã lên tới 13 đầu mối và hàng chục nghìn cửa hàng của đủ mọi thành phần kinh tế, nên đã có dáng dấp của cơ chế thị trường?
|
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
|
- “Không độc quyền” đấy chỉ là cách hiểu, còn thực chất Petrolimex nắm giữ vị trí thống lĩnh. DN này cao hơn hẳn nhiều bậc so với các DN xăng dầu khác nên nếu để cho DN nắm quyền quyết định giá cả thì họ không thể không lợi dụng để tăng giá có lợi cho mình. Và tất nhiên khi ông lớn Petrolimex này tăng giá thì các DN khác không thể không tăng theo và như vậy thị trường xăng dầu sẽ khó có thể theo giá thị trường và có lợi cho người dân được.
“Tôi nhớ khi Nghị định 84 mới ra đời và vào năm 2009 cũng đã cho DN tự định giá xăng dầu theo nghị định này, lúc đó, "cơn bão" tăng giá xăng dầu trong nước đã xảy ra tới tấp khiến Nhà nước hoảng quá, quay lại cơ chế Nhà nước quản và định giá. Năm 2012 cơ quan quản lý lại cho DN tự định giá một chút, DN cũng đã liên tục tăng”.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh
Nhưng bản thân các DN xăng dầu cũng kêu rằng, Nhà nước nói xăng dầu theo cơ chế thị trường thì tại sao lại không để cho họ được quyền tự định giá?
- Các DN xăng dầu "kêu" như vậy là đúng. Nhưng trong trường hợp cụ thể thị trường xăng dầu của ta đến nay vẫn chưa có cơ chế thị trường, có cơ chế cạnh tranh bình đẳng thì việc không để cho họ quyết giá là hoàn toàn phù hợp. Bởi chỉ có cạnh tranh bình đẳng DN mới giảm giá, còn ở ta, ngược lại DN sẽ chỉ có kêu ca thua lỗ và tăng giá. Mà một khi DN to tăng giá thì DN bé cũng phải tăng giá theo, điều này rất nguy hiểm.
Vậy, theo ông phải sửa đổi nghị định này theo hướng như thế nào mới tránh được các bất cập nêu trên?
- Nhà nước không thể bỏ qua các điều kiện nếu để cho DN quyền tự quyết giá. Nghị định sửa đổi phải có các chế tài bắt buộc các DN vận hành giá theo đúng thị trường, lên xuống theo đúng thị trường, DN nào làm sai phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể quy định một cách chung chung rằng, dưới 1.000 đồng thì DN được tự định giá, sẽ rất nguy hiểm.
Các cơ chế về thuế, phí, quỹ bình ổn cũng phải quy định rõ ràng và tách rời ra khỏi chi phí tính giá để tránh mập mờ trộn lẫn và các DN vin vào đó "làm giá". Tại sao chúng quy định tăng giá trên 1.000 đồng thì Nhà nước quản còn dưới 1.000 đồng thì lại để cho DN "tự tung tự tác" là thế nào? Tôi cam đoan, cả xã hội sẽ không ai hiểu được cái quy định "từng này thì tôi quyết, từng này thì cho anh quyết" sẽ có ý nghĩa như thế nào? đem lại lợi ích gì và cho ai? Tôi cho điều vô lý này phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Xin cảm ơn ông!